Vốn nhận nhiều hoài nghi từ những ngày đầu công bố dự án, nhưng những gì mà phim Quỷ Cẩu mang lại tính đến giờ phút này đã khiến giới mộ điệu phải ‘quay xe’ kinh ngạc.
Quỷ Cẩu đang là đối thủ nặng ký trên đường đua điện ảnh cuối năm 2023, đối đầu Kẻ Ăn Hồn, cùng một số “bom tấn” nước ngoài như Aquaman 2, Quỷ Ăn Tạng,… Đây là phim đầu tay của đạo diễn Lưu Thành Luân, dưới sự tham vấn của đạo diễn “trăm tỷ” Võ Thanh Hòa.
Những năm gần đây, giới mộ điệu nhiều lần lắc đầu trước các tựa phim “đầu voi đuôi chuột”, đặt quá nhiều vấn đề nhưng lại không tìm được hướng giải quyết, hay mắc lỗi kịch bản rời rạc,… Dần dần, theo tâm lý chung, mỗi khi có một dự án sắp ra mắt, bên cạnh sự chờ đợi, còn có vô số ý kiến hoài nghi, rằng liệu đây có phải là một “thảm họa điện ảnh” mới, và Quỷ Cẩu cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, những gì mà phim mang lại tính đến giờ phút này lại khác xa so với sự hoài nghi ban đầu.
Nhìn chung, phim tốt hơn so với kỳ vọng, khi mang đến một câu chuyện có chiều sâu, phần kịch bản ít “sạn”, diễn xuất của dàn cast đồng đều. Tuy nhiên, dự án này vẫn khiến khán giả tạch lưỡi nói: “Giá như…” khi còn tồn đọng điểm trừ ở phần kỹ xảo.
Quỷ Cẩu là dự án điện ảnh lấy cảm hứng từ hiện tượng linh dị dân gian nổi tiếng ở Việt Nam “Chó đội nón mê”. Nội dung phim xoay quanh chuyện Nam cùng Xuân về quê để lo liệu đám tang cho bố sau cái chết kinh hoàng của ông.
Đồng thời, Nam cũng đang phải che giấu gia đình việc bạn gái mang thai. Khi Nam nằm cạnh quan tài bố, anh mơ thấy cả nhà bị giết treo lên như treo chó, ông Mạnh đến báo cho Nam rằng thứ gì đó sẽ kéo cả nhà anh chết. Ngay sau khi chôn cất ông Mạnh, trong gia đình liên tục xuất hiện các hiện tượng quỷ dị.
Mít – Con chó trắng mũi đỏ mà gia đình Nam nuôi có nhiều biểu hiện rất lạ. Ông Quyết, bà Thúy, bà Liễu tin theo lời thầy cúng rằng gia đình bị trùng tang, phải quật mồ ông Mạnh lên để làm lễ… Từ đó, hàng loạt câu chuyện ghê sợ đã xảy đến khiến cuộc sống gia đình Nam bị đảo lộn.
So với những dự án kinh dị Việt ra rạp thời gian gần đây, Quỷ Cẩu sở hữu ý tưởng tốt, khi lồng ghép văn hóa dân gian Việt Nam vào nội dung. Điều này góp phần tôn vinh nét đẹp văn hóa Việt, giúp người xem có thêm nhiều kiến thức bổ ích về truyền thuyết “Chó đội nón mê” nói riêng, và các câu chuyện linh dị khác nói chung.
Phần kịch bản phim được đầu tư kỹ lưỡng, có lớp lang, đầu đuôi rõ ràng, nhất là kể được câu chuyện trọn vẹn mà không vướng vào lối mòn “đầu voi đuôi chuột”. Việc lồng ghép chủ đề ăn thịt chó được đánh giá là khá nhạy cảm, nhưng ê-kíp đã xử lý khéo léo. Các mô hình chó đã giết thịt được làm bằng silicon nhưng khi lên màn ảnh lại mang đến hiệu ứng rất chân thật.
Nhịp phim nhanh từ những phút đầu, những cảnh kinh dị, hù dọa được làm bài bản, có động cơ rõ ràng chứ không đơn thuần là lạm dụng “jumpscare” (hù dọa đơn thuần). Tuy nhiên, càng về sau, các phân cảnh hù dọa xuất hiện ngày một nhiều hơn, lại không mang đến hiệu ứng tốt như ban đầu. Các cú “twist” ở cuối phim khá bất ngờ, khó đoán, là điểm nhấn của tác phẩm.
Các phân cảnh giao chiến giữa con người với quỷ được thể hiện thuyết phục, phần hóa trang khá ổn. Khâu quay dựng được thực hiện tốt, mang đến bối cảnh chân thật về làng quê Việt Nam. Phần âm thanh được đưa vào ở những đoạn hù dọa khá ổn, nhưng khâu nhạc phim lại chưa quá ấn tượng. Thông điệp phim hiện lên rõ ràng, nhấn mạnh tình thân, luật nhân quả, sự đoàn kết trong cuộc sống.
KỸ XẢO LÀ ĐIỂM TRỪ LỚN
Quỷ Cẩu quy tụ dàn cast thực lực ở 2 miền Bắc – Nam như NSND Kim Xuân, diễn viên Đào Anh Tuấn, nghệ sĩ Vân Dung, Quốc Quân, Quang Tuấn, Nam Thư, cùng nhiều khách mời quen thuộc. Hầu hết các diễn viên đều có đài từ tốt, diễn xuất linh động, mang đậm màu sắc điện ảnh.
Trong đó, màn thể hiện của NSND Kim Xuân thuyết phục nhất. Bà thể hiện được nhiều cung bậc cảm xúc của một người dâu cả, từ nhịn nhục đến uất hận. Với nghệ sĩ Vân Dung, dù lần đầu đóng điện ảnh, nhưng chị vẫn chạm đến cảm xúc người xem, nhờ những kinh nghiệm tích lũy từ sân khấu.
Tuy nhiên, diễn xuất của Vân Dung và Nam Thư đâu đó vẫn còn khá “kịch”, mang đến cảm giác nặng nề cho người xem. Nghệ sĩ Quốc Quân, Đào Anh Tuấn vào vai anh em ruột, cả hai trông khá tự nhiên, khắc họa được hình tượng, tính cách khác biệt của từng nhân vật.
Quang Tuấn vốn quen mặt với các vai diễn nặng đô trong quá khứ, đến Quỷ Cẩu, nam diễn viên bộc lộ được chiều sâu trong tâm lý nhân vật, khả năng diễn xuất bằng mắt tốt. Được xem là “tân binh” ở mảng điện ảnh, DJ Mie mang đến màn thể hiện dễ chịu ở phim kinh dị đầu tay.
Nhân vật Xuân của Mie và Nam do Quang Tuấn đóng có phản ứng hóa học tốt. Tuy nhiên, Mie lại không có quá nhiều đất diễn để thể hiện hết khả năng của mình.
Sở hữu kịch bản, diễn xuất ổn, nhưng Quỷ Cẩu vẫn khiến người ta tặc lưỡi nói: “Giá như…” bởi kỹ xảo chưa ấn tượng. Giá như hiệu ứng kỹ xảo VFX được đầu tư kỹ lưỡng hơn. Giá như hình ảnh con chó trắng mũi đỏ đừng trông quá “giả trân”, nhìn sơ qua tưởng chó… hoạt hình.
Giá như các phân cảnh người hóa chó trông bớt luộm thuộm hơn, cảnh sét đánh trông giống thật hơn,… Nếu phần hiệu ứng phim được làm chỉn chu hơn nữa, thì bộ phim này sẽ trở nên hoàn hảo.
Qua bài học về kỹ xảo, ê-kíp làm phim có thể cân nhắc, rút kinh nghiệm để các dự án sau trở nên thuyết phục. Bởi theo đạo diễn Võ Thanh Hòa, “Chó đội nón mê” chỉ là phần mở đầu cho series linh dị về văn hóa dân gian mà anh và ê-kíp muốn đưa lên màn ảnh.