Người dùng nên thực hiện các bước sau để bảo vệ thiết bị cũng như các thông tin cá nhân nhạy cảm trước những mối đe doạ tấn công bằng mã độc.
Gần đây, việc Apple đã gửi cảnh báo đặc biệt đến nhiều người trên toàn thế giới về một cuộc tấn công bằng mã độc đánh thuê đã khiến nhiều người hoang mang. Đây là một phần mềm nguy hiểm được thiết kế để xâm nhập vào thiết bị một cách thầm lặng và sau đó thu thập mọi dữ liệu nhạy cảm của nạn nhân. Nó có thể theo dõi mọi hoạt động của người dùng, bao gồm thông tin đăng nhập, chi tiết tài chính, nội dung email, lịch sử duyệt web và thậm chí cách bạn gõ bàn phím. Sau đó, thông tin này sẽ được chia sẻ với kẻ tấn công mà không có sự cho phép của bạn.
Những cuộc tấn công bằng mã độc đánh thuê hường phức tạp hơn nhiều so với các hoạt động tội phạm mạng thông thường. Kẻ tấn công sẽ thường sẽ nhắm mục tiêu vào một số lượng rất nhỏ những cá nhân và thiết bị cụ thể. Các cuộc tấn công này có thể tiêu tốn hàng triệu đô la và thường có tuổi thọ ngắn, khiến chúng khó phát hiện và ngăn chặn hơn. Một ví dụ nổi tiếng về phần mềm mã độc đánh thuê là Pegasus của Nhóm NSO vào năm 2021.
Mặc dù các cuộc tấn công nhắm mục tiêu như vậy nghe có vẻ đáng sợ, nhưng đa số người dùng thiết bị Apple không cần phải quá lo lắng. Các cuộc tấn công này thường nhằm vào những mục tiêu cụ thể như nhà nước, doanh nhân, nhà hoạt động nhân quyền hoặc các tổ chức lớn. Tuy nhiên, điều quan trọng là mọi người đều nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ thông tin cá nhân của mình.
Cách bảo vệ thông tin cá nhân và thiết bị trước các cuộc tấn công bằng mã độc
Apple đã đưa ra một số hướng dẫn chung cho người dùng, giúp họ tăng cường an ninh mạng và giảm nguy cơ bị tấn công. Dưới đây là các bước bạn nên thực hiện:
1. Luôn cập nhật các thiết bị Apple lên phiên bản phần mềm mới nhất. Apple thường xuyên phát hành các bản cập nhật bảo mật để vá các lỗ hổng và sửa lỗi, giúp bảo vệ thiết bị của bạn khỏi các mối đe dọa mới nhất.
2. Bảo vệ thiết bị bằng mã PIN hoặc mật khẩu mạnh. Điều này sẽ ngăn người khác truy cập vào thiết bị của bạn nếu nó bị mất hoặc bị đánh cắp.
3. Kích hoạt xác thực hai yếu tố (2FA) và sử dụng mật khẩu mạnh cho Apple ID. Xác thực 2FA yêu cầu bạn nhập một mã bảo mật duy nhất bên cạnh mật khẩu khi đăng nhập, giúp bảo vệ tài khoản khỏi truy cập trái phép.
4. Chỉ cài đặt các ứng dụng từ App Store chính thống của Apple. Tránh xa các cửa hàng ứng dụng bên thứ ba hoặc nguồn không đáng tin cậy, vì chúng có thể chứa phần mềm độc hại.
5. Sử dụng mật khẩu mạnh và duy nhất cho mọi tài khoản trực tuyến của bạn. Không bao giờ sử dụng cùng một mật khẩu cho nhiều tài khoản khác nhau.
6. Luôn cẩn trọng với các liên kết hoặc tệp đính kèm từ những người gửi không xác định. Chúng có thể chứa phần mềm độc hại hoặc lừa đảo nhằm đánh cắp thông tin cá nhân của bạn.
7. Cân nhắc sử dụng một trình quản lý mật khẩu đáng tin như NordPass, 1Password, v.v.
8. Nếu iPhone đột nhiên hiển thị thông báo xác minh Apple ID đến từ một email, hoặc vị trí lạ mà bạn không hề biết, không được bấm Cho phép.
Ngoài ra, nếu cảm thấy mình có thể bị tấn công bởi các phần mềm gián điệp này, người dùng nên sử dụng Chế độ phong toả – một tính năng bảo vệ cực hạn cho iPhone. Khi thiết bị ở Chế độ phong tỏa, các ứng dụng, trang web và tính năng bị hạn chế nghiêm ngặt để bảo mật và một số chức năng sẽ không khả dụng.
Bằng cách thực hiện những bước đơn giản này, người dùng có thể giảm đáng kể nguy cơ bị tấn công bằng phần mềm gián điệp và các mối đe dọa an ninh mạng khác. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải luôn cảnh giác và cập nhật kiến thức về các mối đe dọa mới nhất, vì kẻ tấn công không ngừng phát triển các kỹ thuật xâm nhập tinh vi hơn.